So sánh Toyota Safety Sense và Honda Sensing – Mèo nào cắn mỉu nào?

admin | Tháng mười một 23, 2020

Mặc dù 2 gói an toàn chủ động Toyota Safety Sense và Honda Sensing chưa phải là xuất sắc nhất trên thế giới, nhưng trong các hãng xe phổ thông tại Việt Nam thì 2 gói an toàn chủ động của Toyota và Honda lại là những đại diện đáng chú ý. Bởi vì thuật toán của nó được hoàn thiện tốt và cách nó can thiệp gần giống với con người hơn là robot. Tuy nhiên, mỗi hệ thống lại có một thế mạnh hay điểm yếu khác nhau. Chi tiết như nào thì mời các bạn cùng mình “mổ xẻ” trong bài này.

Cũng nói thêm, để đưa ra những nhận xét và đánh giá về Toyota Safety Sense (TSS) cũng như Honda Sensing, mình đã thử qua cả 2 ở gần như đầy đủ các điều kiện đường sá. Từ kẹt xe trong phố, đến cao tốc và cả những loại đường không có vạch kẻ hay dải phân cách rõ ràng. Với TSS, mình sử dụng mẫu Corolla Cross và trải nghiệm với hành trình Hà Nội – Hạ Long. Còn Honda Sensing, mình thử với CR-V 2020 qua cung đường Hà Nội – Hà Giang.

Toyota Safety Sense – Hoạt động chính xác và Độ tin tưởng cao

Với tính năng Kiểm soát hành trình thích ứng (Dynamic Radar Cruise Control – DRCC), Toyota Safety Sense xử lý ga/phanh vẫn chưa êm dịu lắm ở chế độ chạy Normal và Power. Tuy nhiên, khi chuyển qua chế độ lái Eco trên Corolla Cross hybrid thì cách DRCC phân bổ ga/phanh cứ phải gọi là “lụa” như nài chuyên nghiệp, ngay cả khi vào cua ở tốc độ cao. Mình đã thử nhiều tình huống phức tạp như có xe khác cắt đầu mình hay mình chuyển làn sát xe trước thì cách xử lý của TSS nói chung tạo được cho mình sự yên tâm, thay vì kiểu can thiệp giật cục khiến người lái thấp thỏm lo sợ như các gói an toàn chủ động khác.

Tính năng Hỗ trợ giữ làn đường Lane Trace Assist của Corolla Cross còn có thêm khả năng mở rộng là canh xe luôn ở giữa làn đường (Lane Centering) khi sử dụng cùng lúc với Kiểm soát hành trình thích ứng DRCC. Corolla Cross khiến mình phải ngạc nhiên vì cách nó đánh vô lăng để giữ xe trong làn đường cực mượt và thậm chí chuẩn hơn cả con em gái mình lái. Trải nghiệm thích hơn nhiều những hệ thống chỉ có Hỗ trợ giữ làn đường cơ bản hay thế hệ cũ. Ví dụ cụ thể là Hỗ trợ giữ làn đường của Ford. Giữ làn đường trên Ford Everest hay Ranger hoạt động theo kiểu phải gần chạm vạch nó mới đá sang hướng ngược lại. Chạy một hồi cái xe nó cứ đu qua đu lại giữa 2 vạch kẻ như thằng xỉn đang lái rất khó chịu.

Về tính năng Hỗ trợ giữ làn đường, TSS tỏ ra vượt trội hơn so với Honda Sensing. Bởi vì cách TSS nhận biết làn đường nó vừa nhanh mà nó vừa chính xác hơn. Cụ thể là Honda Sensing sẽ mất thời gian khá lâu để nhận diện làn đường và sau đó mới cho người lái sử dụng tính năng Hỗ trợ giữ làn. Với điều kiện đường tốt, vạch kẻ đường rõ ràng như trên cao tốc, Honda Sensing mất đâu đó khoảng 3-4 giây để xử lý từ khi nhấn nút kích hoạt. Còn với TSS thì gần như chỉ cần nhấn nút là ngay lập tức người lái đã sử dụng được ngay tính năng Hỗ trợ giữ làn.

Có vẻ như thuật toán của TSS luôn quét và nhận diện làn đường ngay cả trường hợp chúng ta không sử dụng đến tính năng Hỗ trợ giữ làn. Thế nên khi chúng ta kích hoạt thì nó đã sẵn sàng để sử dụng. Còn với Honda Sensing thì nó phải mất một khoảng thời gian kha khá để quét và nhận diện làn đường. Thêm nữa, mình để ý thuật toán nhận diện làn đường của Honda Sensing nó nhận diện làn đường nhanh nhất khi điều kiện ánh sáng nhiều tương phản để làm nổi bật vạch kẻ trên mặt đường. Đó là vào buổi trưa hay trời tối. Trong khi đó TSS không bị phụ thuộc vào khoản này nên cho dù ánh sáng thế nào đi nữa thì nó vẫn nhận diện nhanh và chính xác hơn Honda Sensing.

Thêm một cái nữa, tính năng Hỗ trợ giữ làn của TSS tỏ ra vượt trội hơn Honda Sensing khi nó không chỉ nhận diện vạch kẻ đường mà còn phát hiện được cả bãi cỏ ven đường, lề đường, dải phân cách để giữ xe luôn ở giữa làn. Bằng chứng là khi đi vào những cung đường tỉnh lộ chỉ có 1 làn xe thì Corolla Cross vẫn sử dụng được tính năng Hỗ trợ giữ làn. Trong khi đó, Honda Sensing hoàn toàn bó tay trong trường hợp này. Thậm chí, tình huống ở giữa giao lộ hay những nơi không có vạch kẻ đường rõ ràng, TSS của Toyota đủ linh hoạt tới mức sẽ bám theo đường chạy của xe phía trước và vẫn duy trì hoạt động của tính năng Hỗ trợ giữa làn. Còn nếu là Honda Sensing trong trường hợp trên thì nó sẽ tự tắt đi Hỗ trợ giữ làn và yêu cầu người lái can thiệp.

Với những gì được học về lĩnh vực xe Tự hành trong chuyến đi nghiên cứu công nghệ ở Nhật, mình thấy Toyota Safety Sense trên Corolla Cross nó đã gần tới Level 2 của chuẩn tự hành là Tự hành 1 phần (Partial Automation). Thuật toán Toyota phát triển đủ hoàn thiện tới mức bạn có thể giao cho nó tự lái trên cao tốc. Mình chia sẻ điều này để các bạn hiểu rằng Toyota đã làm TSS tốt hơn những gì họ công bố. Toyota quảng cáo TSS 2.0 chỉ là Công nghệ hỗ trợ an toàn chủ động – Level 1, nhưng thật ra lại đạt mức hoàn thiện phần mềm gần bằng Level 2 – Tự hành một phần. TSS chỉ còn thiếu việc sử dụng dữ liệu GPS để hỗ trợ xe ôm theo những góc cua gắt lớn hơn 60 độ nữa là đủ chuẩn Level 2 hay thậm chí là 3.

Clip thử Kiểm soát hành trình thích ứng và Giữ làn đường thông minh trên Corolla Cross

Thử gói an toàn TSS trên Toyota Corolla Cross

Thử tính năng Kiểm soát hành trình thích ứng và Giữ làn đường thông minh trên Toyota Corolla Cross.

#LaneTraceAssist #DynamicRadarCruiseControl #CorollaCross #Toyota #VlogXe #ToyotaSafetySense

Posted by Vlog Xe on Sunday, 18 October 2020

 

Honda Sensing – Ăn tiền ở tính năng Stop & Go Traffic giúp người lái nhàn hơn khi kẹt xe

Honda Sensing có thể chưa so sánh được với TSS ở tính năng Hỗ trợ giữ làn, nhưng về cách can thiệp ga/phanh của Kiểm soát hành trình thích ứng Adaptive Cruise Control vẫn đủ mượt và không có sự gấp gấp, giật cục như kiểu robot. Tuy nhiên, điểm ăn tiền lớn nhất ở Honda Sensing mà TSS không có nằm ở tính năng mở rộng của Kiểm soát hành trình thích ứng gọi là Stop & Go Traffic.

Có thể gọi vui Stop & Go Traffic là tính năng bám theo xe trước trong điều kiện đường kẹt xe. Chính xác thì Kiểm soát hành trình thích ứng của Honda Sensing nó có thể chủ động bám theo xe trước ở dải tốc độ thấp và cao. Còn Kiểm soát hành trình DRCC trên Corolla Cross chỉ bắt đầu hoạt động ở dải tốc độ từ 45 km/h trở lên, hay ở đây tạm gọi là dải tốc độ cao. Tại các thị trường khác DRCC còn có phiên bản Full Range tức là có cả Stop & Go Traffic giúp nó hoạt động ở cả dải tốc độ thấp từ 0 km/h.

Nếu bạn hay đi đường kẹt xe liên tục và xe chỉ có thể chạy theo kiểu cà nhích, thì bạn sẽ thấy rõ ích lợi của Stop & Go Traffic. Đó là bạn sẽ không cần phải liên tục chuyển qua lại giữa chân phanh và ga. Việc chuyển qua lại giữa chân phanh và ga sẽ làm bạn bị mỏi chân hay thậm chí là chuột rút. Bản thân mình đã từng rơi vào tình huống chuột rút khi phải ga/phanh liên tục trong khoảng thời gian dài. Với Honda Sensing trên CR-V, mình chỉ việc kích hoạt Kiểm soát hành trình thích ứng là xe sẽ tự động bám đuôi xe trước đến khi dừng. Khi xe trước bắt đầu chạy tiếp, bạn nhấn một nút bấm trên vô lăng hoặc đạp nhẹ chân ga để xác nhận là bạn muốn bám theo xe trước. Sau đó, phần còn lại xe sẽ tự ga và phanh cho bạn cho đến lúc xe dừng lại hẳn. Quá tiện lợi!

Clip Đánh giá nhanh Honda Sensing với tính năng bám theo xe trong đô thị

 

Đánh giá gói an toàn chủ động Honda Sensing. Tất tần tật về Kiểm soát hành trình thích ứng và Hỗ trợ giữ làn. Có chút so sánh với Toyota Safety Sense.

#Honda #HondaSensing #TSS

Posted by Nguyen Hung Dang Khoa on Friday, 6 November 2020

 

Kết luận

Tới đây, có lẽ sẽ khó mà kết luận Gói an toàn chủ động nào tốt hơn cái nào. Bởi vì TSS và Honda Sensing đều có thế mạnh riêng của mình. Rõ ràng TSS với thuật toán hoàn thiện xuất sắc sẽ đem lại sự tự tin và thảnh thơi cho người lái khi chạy xe đường trường hay cao tốc. Còn Honda Sensing sỡ hữu tính năng Stop & Go Traffic lại ghi điểm và hỗ trợ đắc lực cho người lái trong tình huống kẹt xe.

Dĩ nhiên không ai chọn xe chỉ vì gói an toàn chủ động của xe này tốt hơn xe khác. Thế nên bài này sẽ giúp các bạn hiểu được những gì hệ thống an toàn chủ động của xe mình có thể làm được và khai thác hiệu quả những ưu điểm của nó.