Đánh giá Hyundai Stargazer – Thơm, ngon hơn Cà rem (Carens)
Cùng được xây dựng trên một nền tảng khung gầm K2 platform dành cho xe hạng B, nhưng Hyundai Stargazer và KIA Carens lại đi theo 2 hướng khác nhau. Nếu xét tổng thể các tiêu chí 1 chiếc xe gia đình thì Stargazer thơm ngon hơn Cà Rem (Carens). Thậm chí Stargazer đã có thể trở thành chiếc xe xuất sắc nhất phân khúc nếu thoả mãn được 1 tiêu chí quan trọng với số đông.
Nền tảng khung gầm tinh chỉnh xuất sắc
Tôi may mắn đã có dịp thử qua rất kỹ các mẫu xe MPV/CUV 7 chỗ cỡ nhỏ trên thị trường. Trớ trêu là mặc dù Hyundai Stargazer “chào sân” thị trường Việt Nam trước cả KIA Carens, nhưng tôi lại có dịp lái thử Carens trước.
Khi lái thử Carens mới tôi đã rất bất ngờ với phần khung gầm xe. Phản ứng khung gầm xe chắc chắn ở tốc độ cao, nhưng khi chạy nhanh qua ổ gà hay gờ cầu vẫn giữ được độ êm và không bị tiếng treo rầm rầm rẻ tiền như đa số những xe cùng phân khúc hay cùng tầm giá. Đặc điểm khung gầm gia cố cứng vững này trước đó tôi chỉ thấy trên Xpander nâng cấp 2022. Ở Stargazer, tôi cũng thấy được điều tương tự như Carens.
Cụ thể hơn, nếu hệ thống treo cứng mà phần khung trên không đủ vững để dập tắt rung động nhanh thì bạn sẽ nghe thấy tiếng treo vọng to, kiểu rầm rầm khi qua gờ giảm tốc/ổ gà. Chạy Toyota Veloz hay Suzuki XL7 bạn sẽ cảm nhận được thứ âm thanh tạm gọi là “rẻ tiền” đó. Ngoài ra, những xe khung không quá cứng sẽ bị hiện tượng vặn xoắn khung xe nhiều. Một yếu tố làm xe có cảm giác bồng bềnh khi đánh lái tốc độ cao và khiến hành khách dễ say xe lúc đi đường đèo mà ít người biết đến.
Thật may là ở Stargazer không có những dấu hiệu của phần khung xe yếu kể trên. Một điểm đáng khen khác là vô lăng trợ lực điện của Stargazer không còn cảm giác lỏng bỏng của xe Hàn ngày xưa. Mà ngược lại sự can thiệp của trợ lực đã tự nhiên hơn. Nói không ngoa thì trải nghiệm khung gầm, vô lăng của Carens hay Stargazer đem lại nó không hề giống xe “Hàn” chúng ta từng biết chút nào.
Thêm một điểm ngạc nhiên, tôi đánh giá phần khung gầm của Carens và Stargazer thậm chí còn trội hơn cả đàn anh KIA Carnival thế hệ mới có giá cao gần gấp đôi. Bởi vì ở Carnival tôi vẫn nghe thấy thứ âm thanh “rẻ tiền” từ hệ thống treo và cảm giác lắc lư do thân xe vặn xoắn nhiều hơn.
Có một điều lạ là cả Carens và Stargazer đều được phát triển trên nền tảng K2 Platform chung với Seltos, nhưng khi lái Seltos tôi vẫn thấy sự lỏng lẻo đặc trưng của khung gầm xe Hàn và lại lần nữa cả tiếng treo không hề êm tai khi qua đường dằn xóc. Với kinh nghiệm tinh chỉnh khung gầm xe nhiều năm, tôi mạnh dạn đoán là Hyundai và KIA đã gia cố thêm điểm hàn cho phần khung của Stargazer hay Carens để platform xe hạng B có thể “gồng gánh” tốt cho vai trò 1 chiếc xe 7 chỗ. Khả năng cao là họ gia cố độ cứng ở mức “over-engineer” nên cuối cùng chúng ta có được những trải nghiệm khung gầm tiệm cận cao cấp ở mức giá xe phổ thông. Đừng quên cả 2 đều có hệ thống treo sau kiểu dầm xoắn bán phụ thuộc, chứ chưa phải là độc lập đa điểm.
Phần khung của Stargazer và Carens có độ cứng same same nhau, nhưng điểm khác nhau là mức giảm chấn (damper) phuộc của Stargazer “mềm” hơn Carens nên cảm giác ngồi Stargazer sẽ êm mông, thoải mái hơn. Nhất là khi đi vào đường xấu. Bù lại mức giảm chấn “cứng” hơn, nghiêng về hướng thể thao hơn của Carens sẽ giúp cho xe lanh hơn khi chạy tốc độ cao. Đặc biệt trong những tình huống chở nặng, ở dải tốc độ từ 80 km/h trở lên có thể cảm nhận rõ là Stargazer phản xạ “ù lì” hơn so với Carens.
Thật khó để nói cái treo nào tốt hơn cái treo nào. Nhưng nếu xét ở góc độ một chiếc xe gia đình hay chở hành khách, thì hệ thống treo “mềm” hơn của Stargazer có lẽ sẽ hợp gu số đông hơn. Còn những ai thích cảm giác lái lanh lẹ, đầm hơn ở tốc độ cao thì Carens sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Khả năng cách âm của Stargazer thuộc diện tốt nhất nhì trong phân khúc. Tôi đánh giá cách âm gầm, cách âm môi trường của Stargazer tương đương với Carens và Xpander. Còn cách âm khoang máy thì Stargazer, Carens nhỉn hơn Xpander một chút.
Cảm giác lái mượt mà và linh hoạt
Stargazer sở hữu động cơ xăng hút khí tự nhiên 1.5 lít cho công suất tối đa 115 mã lực và mô men xoắn cực đại 144 Nm. Các thông số này đều cao hơn các xe Nhật máy 1.5 cùng phân khúc.
Trong quá khứ thì các hãng xe Hàn thường công bố thông số đẹp hơn trải nghiệm thực tế, còn các hãng xe Nhật hay châu Âu có xu hướng ngược lại. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế Stargazer thì tôi thấy lần này Hyundai có vẻ công bố thông số đúng với thực tế. Stargazer bốc hơn hẳn các mẫu xe Nhật cùng phân khúc. Cảm giác vượt xe khác với Stargazer nhẹ nhàng lắm.
Khi đạp full chân ga Stargazer thì quá trình vượt xe cùng chiều có vẻ kết thúc sớm hơn. Thành ra chúng ta sẽ không có cảm giác Stargazer phải “gồng” nhiều như những mẫu xe cùng dung tích động cơ 1.5. Mặc dù sử dụng hộp số biến thiên vô cấp CVT, nhưng tôi cảm giác độ bốc của Stargazer tốt hơn hẳn Toyota Veloz/Avanza.
Có lẽ cũng nhờ sử dụng hộp số biến thiên vô cấp CVT nên Stargazer phân bổ công suất rất mượt mà và thân thiện với lái mới. Nếu là hộp số tự động 4 cấp thì trong một vài tình huống đạp sâu hơn 1/2 hành trình chân ga là hộp số về số và tạo cảm giác xe dư sức mạnh hơn nhu cầu của mình. Đồng thời cũng làm xe gằn giật hơn. Còn ở hộp số biến thiên vô cấp thông minh mà Hyundai gọi là iVT thì đạp chân ga tới đâu, cái xe đáp ứng tốc độ tới đó. Không hơn, không kém.
Có thể nói vui cách phân bổ ga trên những xe xài hộp số 4 cấp giống như một cái nút on/off. Cứ đúng nấc là nó thay đổi cách phân bổ công suất và mức độ thay đổi của nó rất lớn. Còn chân ga của xe hộp số biến thiên vô cấp CVT thì sự thay đổi của nó nhẹ nhàng, tinh tế và giống như một cái núm xoay chỉnh được nhiều cường độ.
Một trong những điểm nổi bật của Stargzer so với những mẫu xe Nhật khác đó là nó có tới 4 chế độ lái. Thế nên Stargazer rất linh hoạt trong khoản đáp ứng nhu cầu tốc độ của người lái. Muốn đi phố tiết kiệm, êm ái thì chuyển sang Eco hoặc Normal. Lúc này độ nhạy chân ga sẽ ít và thuật toán hộp số sẽ lên số sớm hơn. Còn muốn có cảm giác xe bốc, giữ tua máy cao, nhạy ga hơn thì chỉ cần chuyển sang chế độ Sport. Trường hợp không muốn nghĩ ngợi nhiều thì cứ chuyển sang chế độ Smart, xe sẽ tự động chọn độ nhạy hay lên số sớm/muộn tuỳ theo điều kiện vận hành.
So với Carens, Stargazer không có nhiều tuỳ chọn động cơ và hộp số. Tuy nhiên, lại một lần nữa sức mạnh động cơ 1.5 của Stargazer đáp ứng ở mức quá đủ xài với một chiếc xe gia đình hay chạy dịch vụ. Trường hợp bạn muốn có động cơ xăng tăng áp 1.4 hay dầu tăng áp 1.5 mạnh hơn trên Carens thì cái giá trả thêm lên tới 100-150 triệu. Theo tôi khoản chênh lệch đáng kể như vậy làm Carens bản cao mất đi độ “thơm” về mặt giá và sẽ khiến nhiều người đắn đo.
Option hợp lý hơn Carens cùng tầm giá
So với Carens bản cao Premium hay Signature với cấu hình động cơ xăng và dầu tăng áp ở tầm giá 800-850 triệu, Stargazer bản Cao Cấp 6-7 chỗ có giá 685-675 triệu sẽ thua về mặt tiện nghi khi thiếu: đèn nội thất, cửa sổ trời, ghế lái chỉnh điện, làm mát 2 ghế trước. Tuy nhiên, với mức chênh lệch lên tới 100-150 triệu thì Stargazer bản Cao Cấp không đối đầu trực tiếp với Carens Premium hay Signature trên bàn cân.
Thay vào đó Stargazer Cao Cấp sẽ cạnh tranh sòng phẳng với ngừoi anh em Carens Luxury. Mà nếu so với Carens Luxury, thì Stargazer Cao Cấp nổi trội hơn về mặt tiện nghi và an toàn chủ động.
Thứ nhất về tiện nghi, Stargazer Cao Cấp nhỉn hơn:
– Chế độ lái
– Hệ thống loa Bose cao cấp
Về an toàn, Stargazer Cao Cấp vượt trội với loạt trang bị:
– Hỗ trợ giữ làn
– Cảnh báo lệch làn
– Cảnh báo điểm mù
– Cảnh báo va chạm trước
– Bật/tắt chế độ pha tự động
– Cảm biến áp suất lốp
Đặc biệt, Stargazer và Carens đều có tính năng khởi động từ xa qua remote và kết nối Apple CarPlay không dây mà các mẫu xe Nhật cùng phân khúc chưa có. Một điểm đáng tuyên dương là hệ thống Hỗ trợ giữ làn trên Stargazer hoạt động khá chính xác và tốc độ nhận diện làn khá nhanh. Tính năng này thật sự hữu ích khi lái xe đường dài vì nó giúp người lái nhàn nhã hơn.
Dĩ nhiên, cái giá đánh đổi của Stargazer Cao Cấp là nó chỉ có mâm 16” thay vì 17” như Carens Luxury và nó không có thiết kế cửa gió điều hoà độc lập đến hàng thứ 3 giống Carens. Cửa gió hàng 2 và 3 của Stargazer là loại 1 cụm đặt trên đầu hàng 2 giống các mẫu xe cùng phân khúc. Đây là kiểu thiết kế khá cũ và nó làm khoang xe nhìn không nhiều tiền như Carens.
Xét tổng thể, những trang bị tiện nghi và an toàn của Stargazer Cao Cấp “Ngon” hơn, đem lại nhiều giá trị thiết thực hơn so với Carens Luxury.
Thiếu một thứ để trở thành xe toàn diện nhất phân khúc
Thứ Stargazer còn thiếu có lẽ là một thiết kế “ngọt nước” hay dễ nhìn trong mắt số đông. Phong cách thiết kế kiểu tương lai của Stargzer tôi không cho nó xấu, cũng chưa thấy nó đẹp. Tôi chỉ thấy nó lạ và khó cảm thụ được vẻ đẹp lạ của nó khi mới bắt gặp. Ví dụ như phần đuôi xe Stargazer nhìn rất tầm thường vào ban ngày, nhưng khi đi ban đêm dải đèn nằm ngang nối liền 2 cụm đèn sau thành hình chữ H tạo cảm giác đuôi xe khá sang, nếu không muốn nói là nhìn “hút” hơn hẳn những xe cùng phân khúc.
Thêm nữa, các mảng khối ở bảng táp lô Stargazer chưa được xử lý tinh tế như người anh em Carens. Thành ra nó khiến bảng táp lô Stargazer có cảm giác rời rạc và chưa nuột. Nhất là khi nhìn vào cụm màn hình trung tâm liền với bảng đồng tốc độ. Cảm giác 2 chi tiết này không hề “ăn nhậu” gì với nhau.
Ngoài ra, phần cột A của xe vuốt khá nhiều nên tạo góc khuất lớn trong tầm quan sát của người lái. Mặc dù Hyundai đã khoét thêm một ô cửa nhỏ ở cột A để giúp người lái quan sát tốt hơn diễn biến 2 bên đầu xe, nhưng “điểm mù” ở đây vẫn đáng kể. Bằng chứng là trong quá trình thử tôi đã có 2-3 lần giật mình vì xe máy bất thình lình xuất hiện từ “điểm mù” lúc vào vòng xoay hoặc đi qua ngã 4.
Kết luận
Nếu xét về chất, lượng và cả phần nhìn, Hyundai Stargazer chỉ dừng lại ở một chiếc xe rất ngon, rất hợp dành cho số đông mua về làm xe gia đình hoặc chuyên chở hành khách. Còn nếu bỏ qua phần nhìn, thì Stargazer là chiếc xe được tôi đánh giá cao nhất trong phân khúc khi xét ở mặt tổng thể.
So với những mẫu xe Nhật cùng khúc hay thậm chí là cả người anh em Carens cùng tầm giá, Stargazer nhỉn hơn ở tiêu chí hiệu năng/giá cả khi sở hữu nhiều trang bị tiện nghi, an toàn ý nghĩa, nhưng vẫn đảm bảo độ rộng rãi cho 7 người lớn và đặc điểm khung gầm xuất sắc. Ở góc độ nào đó có thể gọi vui Stargazer là món Cà Rem thơm và ngon hơn.
Share
Đừng bỏ qua
-
Wave Alpha 110 nay đã có đèn trước tự động như xe hơi, giá từ 17,79 triệu
-
Kymco giới thiệu Like và Candy Hermosa 50 cc nâng cấp 2020 – thêm màu mới, đèn định vị, chân chống an toàn.
-
Suzuki ra mắt Ciaz 2020 tại Việt Nam – Giá 529 triệu, có tất cả nhưng thiếu Cruise Control,…
-
Mitsubishi nâng cấp Pajero Sport 2020 chơi “sát ván” option và giá với Fortuner
-
Honda bổ sung thêm màu sơn đỏ cho CR-V 2020